Tôi là một người trẻ năng động nhưng tự nhận mình có tâm hồn nhạy cảm, hơi chút thẩn thơ nghệ sĩ. Không biết ngày trước, khi nhắc đến Đà Lạt, người ta thường nhắc về điều gì. Có phải là “thành phố ngàn hoa”, là hoa dã quỳ đang mùa nở rộ, là đồi cỏ hồng hay những điểm chụp ảnh “sống ảo” như bây giờ hay không? Với tôi, khi nhắm mắt nghĩ về Đà Lạt, hình ảnh đầu tiên hiện ra chính là Thông.
Có lẽ, người ta không hay nhắc về Thông khi nói về Đà Lạt bởi nó hiện hữu như một lẽ tự nhiên, như trên đồi phải có cỏ, Đà Lạt có thông là chuyện rất đỗi bình thường. Thế nhưng tìm hiểu mới biết, thông ở Đà Lạt có một “đời sống” hết sức đặc biệt.
Thông là loài cây chịu lạnh, đó là lý do thông có nhiều trên những vùng cao phía Bắc và Tây Nguyên. Nước ta có 6 loài thông phân bố tự nhiên thì ở Lâm Đồng đã có 5 loài. Vì thế, nơi này từ đầu thế kỷ trước đã được mệnh danh là "Chiếc nôi của cây thông". Các nhà khoa học thế giới cũng công nhận điều ấy bởi chưa có địa phương nào ở các quốc gia khác lại có nhiều về số lượng loài thông bản địa và đặc hữu như ở cao nguyên Lang Biang.
Cụm từ “Thông Đà Lạt” được người ta quen miệng gọi tên nhưng ít ai biết rằng đây không chỉ là cái tên chung của những cây thông ở Đà Lạt mà còn là một trong hai loài thông chỉ thấy phân bố tự nhiên trên cao nguyên Lang Biang mà không thấy phân bố ở nơi nào khác trên thế giới- thông 5 lá. Loài thông này có 5 lá trong một búp măng, thuộc loại hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng và đã trở thành một trong hai loài thông đặc hữu của Việt Nam.
Dù đứng tại bất kỳ nơi nào ở Đà Lạt, ngước mắt lên cũng có thể nhìn thấy những nhánh thông lá kim nhìn xa xa ngỡ mong manh dịu dàng nhưng nhìn gần mới thấy hết vẻ mạnh mẽ. Thân cây dong dỏng cao, thẳng tắp, dáng mảnh khảnh nhưng không thiếu sự uy nghi và kiên cường. Thông bên bờ hồ Xuân Hương, thông cạnh nhà thờ, thông bên Ga Đà Lạt, đứng ở đâu, thông cũng rất hòa hợp, bởi lẽ, thông ở Đà Lạt đã là một sự hòa hợp của thiên nhiên.
Đặc biệt, đứng giữa đồi thông, nhắm mắt lại, thính giác sẽ cảm nhận rõ hơn tiếng thông reo, dữ dội nhưng yên bình, khứu giác được gió mang đến cái ngan ngát đặc trưng của thông, của núi rừng vùng cao.
Thông không những hòa hợp với khung cảnh xung quanh mà còn rất hợp với lòng người. Khi người vui, tiếng thông reo cũng nghe như vui mừng, hân hoan, người buồn, tiếng reo lại như mang chút niềm ưu tư đồng cảm, như muốn lấy tiếng động reo rắc ấy đẩy những muộn phiền trong lòng người mang đi. Vì thế, khi đứng giữa đồi thông xanh lòng ta luôn cảm thấy nhẹ nhõm hơn, bình yên và thư thái đến lạ.
“Nếu ngày mai đi qua
Những khoảng trời thông xanh
Nếu thời gian quay lại
Có mối tình mang tên
. . .Đồi thông cao nghe hết những lời ban mai
Nhung nhớ đong đầy sương rơi . . .”
– Bài hát Đồi thông- Sáng tác Việt Anh